Print

Chủ tàu Việt Nam còn “mù mờ” luật pháp quốc tế

Written by Super User on . Posted in Tin tức hàng hải

 

 

Ngày 1-11-2013, Hiệp hội chủ tàu Việt Nam phối hợp với công ty luật Rajah & Tann tổ chức hội thảo “Cập nhật và nâng cao kiến thức pháp lý và an toàn hàng hải” tại TP.HCM. Đây là dịp để các chủ tàu Việt Namnắm bắt thêm về các quy định mới cũng như học hỏi kinh nghiệm thông qua các vụ án tranh chấp thương mại hàng hải xảy ra trong thời gian gần đây.

 

Ông Leong Kah Wah, Phó phòng hàng hải và vận tải đường biển công ty luật Rajah & Tann nêu lên ba vụ tranh chấp xảy ra gần đây được tòa án Anh xử liên quan đến việc các chủ tàu chủ quan trong việc cấp thư bồi thường (LOI), tính pháp lý của thông báo sẵn sàng làm hàng (NORs) được gửi qua thư điện tử không được chấp nhận và những vấn đề liên quan đến tổn thất chung. Những vấn đề trên rất thường gặp đối với các công ty vận tải biển Việt Nam, nhưng các chủ tàu thường hay chủ quan và ít để ý đến. Điều này sẽ rất nguy hiểm nếu có tranh chấp xảy ra.

 

Ông Đỗ Xuân Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội chủ tàu Việt Nam cũng cho biết thêm, với xu thế hội nhập sâu rộng, vận tải biển Việt Nam ngày càng vươn xa hơn. Tuy nhiên, do nhận thức pháp luật của các chủ hàng còn thấp nên thời gian gần đây nhiều vụ tranh chấp không đáng có đã xảy ra. “Hiện nay Việt Nam có khoảng 500 chủ tàu thì có tới hơn 300 chủ tàu nhận thức về luật pháp cũng như công ước ước quốc tế có thể nói là bằng không”, ông Quỳnh khẳng định.

 

Các chủ tàu ở Việt Nam có thể chia làm hai loại. Các chủ tàu lớn, chủ yếu là các công ty nhà nước hình thành từ trong thời chiến tranh thì nhận thức pháp luật cũng như các công ước quốc tế khá tốt, khá bài bản. Còn các công ty mới thành lập trong thời gian mở cửa sau này chỉ lo sắm tàu rồi chạy chứ không quan tâm đến việc trau dồi nhận thức pháp luật. Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro khi làm việc với các đối tác quốc tế vì không nắm rõ luật.

 

Ông Quỳnh còn tỏ ra lo lắng khi trong thời gian gần đây, nhiều chủ tàu Việt Nam khi xảy ra tranh chấp thay vì nhờ tới luật sư để được tư vấn cặn kẽ lại thường tìm cách “tự xử” do không muốn làm to chuyện ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu. Điều này rất nguy hiểm vì có thể tạo ra các tiền lệ xấu ảnh hưởng đến đội tàu Việt Nam khi hoạt động các tuyến quốc tế.

 

Các diễn giả tại Hội thảo.

 

Thanh Long