Print

Khai nhầm thuế suất trong tờ khai điện tử đã được thông quan

Written by Super User on . Posted in Thủ tục hải quan điện từ

 

tax3Trong quá trình khai báo điện tử chúng tôi đã khai nhầm thuế suất NK cho mặt hàng giá đỡ cầu chì là 10% thay vì phải là 12%. Tờ khai điện tử đã được thông quan từ 17/10/2011 tính đến nay cũng đã quá 60 ngày và số tiền chênh lệch sai là 256.000VND. Bây giờ chúng tôi mới phát hiện ra sự nhầm lẫn trên. Vậy công ty chúng tôi phải làm gì để chỉnh sửa tờ khai trên cho đúng với thuế suất quy định?

 

- Công ty có thể tham khảo Điều 12 Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quy định chi tiết các trường hợp Sửa chữa tờ khai, khai bổ sung hồ sơ hải quan như sau:

1. Việc sửa chữa tờ khai, khai bổ sung hồ sơ hải quan được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Sửa chữa tờ khai hải quan, khai bổ sung hồ sơ hải quan trước thời điểm kiểm tra thực tế hàng hoá hoặc trước khi quyết định miễn kiểm tra thực tế hàng hoá theo quy định tại khoản 3, Điều 9 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP;

b) Khai bổ sung hồ sơ hải quan trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan đối với các nội dung có sai sót gây ảnh hưởng đến số tiền thuế phải nộp, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

b.1) Sai sót do người nộp thuế, người khai hải quan tự phát hiện, khai báo với cơ quan hải quan;

b.2) Thời điểm khai báo trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nhưng trước khi cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế;

b.3) Có sai sót về tính toán số tiền thuế phải nộp; sai sót về trị giá, xuất xứ, mã số, mức thuế suất, số tiền thuế phải nộp theo hồ sơ hải quan đã nộp cho cơ quan hải quan;

b.4) Người khai hải quan, người nộp thuế phải có đủ cơ sở chứng minh và cơ quan hải quan có đủ cơ sở, điều kiện kiểm tra, xác định tính trung thực, chính xác và hợp pháp của việc khai bổ sung.

2. Nội dung sửa chữa, khai bổ sung bao gồm:

a) Khai bổ sung thông tin làm cơ sở xác định các yếu tố, căn cứ tính thuế hoặc xác định đối tượng không chịu thuế; hoặc xác định đối tượng miễn thuế, xét miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế;

b) Khai bổ sung số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế đã nộp, số tiền thuế chênh lệch còn phải nộp hoặc số tiền thuế chênh lệch nộp thừa (nếu có), số tiền phạt chậm nộp của số tiền thuế khai bổ sung (nếu người nộp thuế đã nộp tiền thuế khai bổ sung quá thời hạn nộp thuế) đối với từng mặt hàng và của cả tờ khai hải quan; cam kết về tính chính xác, hợp pháp của chứng từ, hồ sơ khai bổ sung;

c) Sửa chữa, khai bổ sung thông tin khác trên tờ khai hải quan.

3. Hồ sơ sửa chữa, khai bổ sung gồm:

a) Văn bản sửa chữa, khai bổ sung (mẫu 02 Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này): nộp 02 bản chính;

b) Các giấy tờ kèm theo để chứng minh việc sửa chữa, khai bổ sung.

4. Xử lý hồ sơ sửa chữa, khai bổ sung

a) Trách nhiệm của người khai hải quan:

a.1) Khai chính xác, trung thực, đầy đủ các yếu tố, căn cứ khai bổ sung trong văn bản khai bổ sung;

a.2) Tính số tiền thuế khai bổ sung, số tiền phạt chậm nộp (nếu có) phải nộp do khai bổ sung;

a.3) Nộp đủ hồ sơ cho cơ quan hải quan trong thời hạn được sửa chữa, khai bổ sung theo quy định tại Điều 34 Luật Quản lý thuế, khoản 2 Điều 22 Luật Hải quan;

a.4) Thực hiện thông báo của cơ quan hải quan trên văn bản sửa chữa, khai bổ sung;

a.5) Trường hợp khai bổ sung làm tăng số tiền thuế phải nộp, người nộp thuế phải nộp đầy đủ, đúng thời hạn số tiền thuế, tiền phạt chậm nộp (nếu có) theo đúng quy định;

a.6) Trường hợp khai bổ sung làm giảm số tiền thuế phải nộp, người nộp thuế có quyền đề nghị cơ quan hải quan nơi khai bổ sung xử lý số tiền nộp thừa theo hướng dẫn tại Điều 24 Thông tư này.

b) Trách nhiệm của cơ quan hải quan:

b.1) Ghi rõ ngày, giờ tiếp nhận hồ sơ sửa chữa, khai bổ sung đối với trường hợp sửa chữa, khai bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 34 Luật Quản lý thuế, khoản 2 Điều 22 Luật Hải quan. Ghi rõ ngày tiếp nhận hồ sơ khai bổ sung đối với trường hợp khai bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 34 Luật Quản lý thuế;

b.2) Kiểm tra tính đầy đủ, chính xác của hồ sơ sửa chữa, khai bổ sung và thông báo kết quả kiểm tra trên văn bản sửa chữa, khai bổ sung; trả cho người khai hải quan 01 bản, lưu 01 bản;

b.3) Thông báo kết quả kiểm tra hồ sơ sửa chữa, khai bổ sung trong thời hạn sau đây:

b.3.1) Trong thời hạn tám giờ làm việc kể từ khi tiếp nhận đủ hồ sơ sửa chữa, khai bổ sung đối với trường hợp sửa chữa, khai bổ sung trước thời điểm cơ quan hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa hoặc quyết định miễn kiểm tra thực tế hàng hóa;

b.3.2) Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ khai bổ sung đối với trường hợp khai bổ sung trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nhưng trước khi cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế.

5. Trường hợp người khai hải quan, người nộp thuế tự phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp có sai sót (sai sót về tính toán số tiền thuế phải nộp; sai sót về trị giá, xuất xứ, mã số, mức thuế suất, số tiền thuế phải nộp); tự giác khai báo trước khi cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế nhưng quá thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan; người khai hải quan, người nộp thuế có đủ cơ sở chứng minh và cơ quan hải quan có đủ cơ sở, điều kiện kiểm tra, xác định tính chính xác và hợp pháp của việc khai báo thì xử lý như sau:

a) Người khai hải quan, người nộp thuế thực hiện việc kê khai như trường hợp khai bổ sung hướng dẫn tại khoản 2, khoản 3, điểm a khoản 4 Điều này; nộp đủ số tiền thuế thiếu theo thời hạn nộp thuế như đối với số tiền thuế tự khai, tự tính khi làm thủ tục hải quan, số tiền phạt chậm nộp (nếu có), chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan hải quan;

b) Cơ quan hải quan có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ kê khai của người khai hải quan, người nộp thuế như trường hợp khai bổ sung hướng dẫn tại điểm b khoản 4 Điều này; xử lý vi phạm hành chính theo quy định và ghi chú vào văn bản khai bổ sung về việc xử phạt. Trường hợp tiền thuế đã nộp lớn hơn số tiền thuế phải nộp thì cơ quan hải quan xử lý lại số tiền thuế nộp thừa theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế.”

Do đó, trường hợp của công ty có thể căn cứ vào khoản 5 Điều 12 Thông tư số 194/2010/TT-BTC để thực hiện việc kê khai bổ sung. Đề nghị công ty liên hệ với Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục để được xem xét giải quyết theo quy định.